[Bóc Term] Tại sao lại gọi là Bull market (Thị trường bò) và Bear market (Thị trường gấu)?

Khi “bò” và “gấu” thể hiện sức mạnh của mình, thị trường sẽ có những xu hướng gì?


Thị trường chứng khoán luôn biến động, đôi khi tạo ra nhiều cơ hội và rủi ro cho với các nhà đầu tư. Trong bối cảnh thị trường trải qua giai đoạn tăng giảm, việc hiểu rõ sự khác biệt giữa thị trường bò (bull market) và thị trường gấu (bear market) sẽ giúp bạn xác định chiến lược đầu tư phù hợp. Hãy cùng tìm hiểu những điểm khác biệt quan trọng giữa hai loại thị trường này.

bullandbear

Sự khác biệt giữa thị trường bò (bull market) và thị trường gấu (bear market)

1. Thị trường bò (Bull market)

Thị trường bò (Bull market) sử dụng hình ảnh con bò để ẩn dụ cho thị trường tăng giá, đại diện cho xu thế đi lên. Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ định nghĩa, thị trường bò là thời điểm ghi nhận giá cổ phiếu tăng và tâm lý thị trường lạc quan. Khi đó, chỉ số đại diện cho thị trường khi đó tăng từ 20% trong khoảng thời gian ít nhất 2 tháng.

Tại Việt Nam, thời điểm 2017 được coi là giai đoạn của thị trường bò với mức tăng 48,03% từ 664,87 điểm lên 984,24 điểm. Ngoài ra, thời điểm 2021 cũng là giai đoạn thị trường bò khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 35,73% từ 1103,87 điểm lên 1498,28 điểm.

stockprice1

Giai đoạn thị trường bò trên sàn chứng khoán Việt. Nguồn: TradingView

2. Thị trường gấu (Bear market)

Thị trường gấu (Bear market) biểu thị cho thời điểm giá cổ phiếu giảm, tâm lý thị trường bi quan. Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ định nghĩa, thị trường gấu là thuật ngữ được sử dụng để mô tả khi thị trường chứng khoán giảm từ 20% trở lên trong thời gian ít nhất 2 tháng.

Tại thời điểm đầu tháng 10/2022, VN-Index giảm 28% so với đầu năm và là tháng giảm điểm thứ 5 liên tiếp.

stockprice2

Giai đoạn thị trường gấu trên sàn chứng khoán Việt. Nguồn: TradingView

3. Đặc điểm của thị trường bò và thị trường gấu

Tình hình của nền kinh tế

Thị trường chứng khoán và nền kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thị trường chứng khoán ở trạng thái “gấu” gián tiếp thể hiện nền kinh tế đang suy giảm. Các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ở mức thấp ảnh hưởng trực tiếp đến việc định giá cổ phiếu.

Điều ngược lại xảy ra ở thị trường bò, các doanh nghiệp có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư. Điều này cũng tác động và củng cố sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Cung và cầu chứng khoán

Trong trạng thái thị trường bò, cầu luôn lớn hơn cung do nhiều nhà đầu tư muốn mua chứng khoán trong khi ít người sẵn sàng bán. Kết quả là giá cổ phiếu sẽ tăng lên khi các nhà đầu tư cạnh tranh để giành được phần vốn chủ sở hữu hữu hạn.

Ngược lại trong trạng thái thị trường gấu, nhiều nhà đầu tư tìm cách bán chứng khoán họ sở hữu thay vì mua thêm. Chênh lệch giữa cung và cầu khiến giá chứng khoán giảm xuống.

Tâm lý nhà đầu tư

Tình trạng của thị trường chứng khoán và tâm lý của nhà đầu tư luôn phụ thuộc và ảnh hưởng qua lại. Khi thị trường tăng điểm, do tâm lý lạc quan nhà đầu tư hiện tại và các nhà đầu tư mới luôn sẵn sàng tham gia vào thị trường với kỳ vọng thu được lợi nhuận.

Ngược lại, trong trạng thái “gấu”, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán làm lung lay tâm lý của nhà đầu tư, hầu hết sẽ có tâm lý muốn rút tiền khỏi thị trường để đầu tư sang các lĩnh vực khác.

Thị trường gấu và thị trường bò đều có ảnh hưởng lớn đến tâm lý và hành vi đầu tư của nhà đầu tư. Việc hiểu và áp dụng chiến lược đầu tư phù hợp với từng loại thị trường sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả cao hơn và giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, việc đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế, chính trị và tâm lý thị trường cũng là yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư chính xác. Hãy luôn cân nhắc rủi ro và mục tiêu đầu tư của mình trước khi ra quyết định và đặt niềm tin vào kiến thức và sự tự tin trong quyết định đầu tư của bạn!